7 SAI LẦM NHẬN THỨC VỀ ĐẠO PHẬT Ở VIỆT NAM

1. Đức Phật là đấng thần linh không có thật

Tranh vẽ đám cưới của thái tử Tất-đạt-đa với công chúa Da-du-đà-la trước khi xuất gia

Đức Phật (Buddha) nguyên là một Hoàng thái tử (Siddhārtha Gautama) của tiểu quốc Thích-ca (Shakya) ở vùng Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavastu), sinh năm 624 TCN, ở vùng lãnh thổ nay là Lumbini (Lâm Tỳ Ni), Nepal, mất năm 544 TCN ở vùng nay là Kushinagar (Câu Thi Na), Ấn Độ (thọ 80 tuổi).

Ngài rời hoàng cung để đi tìm đạo sau khi đã có vợ (là Yasodharā, phiên âm Việt là Da-du-đà-la và một con trai (là Rāhula, phiên âm Việt là La-hầu-la).

Sau khoảng 6 năm tu đạo, ông đạt được giác ngộ chính pháp ở năm 35 tuổi và dành tiếp 45 năm còn lại trong cuộc đời mình cho việc truyền bá, giảng dạy các giáo lý Phật pháp khắp những khu vực ở Đông và Nam tiểu lục địa Ấn Độ.

“Buddha” không phải là tên mà như là một danh xưng. Trong tiếng Việt không có riêng từ nào giúp giải nghĩa có thể hiểu thoát ý. Có thể hiểu “Buddha” là “Đấng giác ngộ”, người đã tìm ra chân lý tối thượng, thấu hiểu mọi điều.

Từ “Buddha” được người Việt từ xưa quen gọi trại đi là “Bụt”. Sở dĩ sau này gọi là “Phật” là có nguồn gốc theo cách phát âm của người Trung Hoa.

Cơ bản do yếu tố địa lý, Phật Giáo được truyền bá vào Việt Nam trước khi vào Trung Hoa khoảng 100 năm. Nhưng sau này triết lý đạo Phật ngược từ Trung Hoa sang Việt Nam có ảnh hưởng rất lớn, có lẽ là do sự lệ thuộc, ảnh hưởng về chính trị và sự phát triển rất mạnh của Đạo Phật ở phương Bắc.

Khác với Thích Ca Mâu Ni, các vị như Phật A Di Đà, Phật Di Lặc, Quán Thế Âm là không có thật. Các ngài là sản phẩm tưởng tượng của tôn giáo. Có tài liệu nói đó là các vị tiền kiếp do Thích Ca Mâu Ni giới thiệu, tuy nhiên khó kiểm chứng.

2. Mục tiêu cuối cùng của đạo Phật là Tây Phương Cực Lạc

Mục tiêu của đạo Phật không phải là cõi thiên đường hay cực lạc, mà là thoát hết đau khổ, phiền muộn. Tất nhiên đó là một công trình vĩ đại trải qua thời gian vô cùng lâu dài, chứ không thể trong một vài kiếp người, vài chục năm tu tập có thể đạt được ngay. Ngay cả Đức Phật cũng phải trải qua nhiều kiếp sống thực hành liên tiếp chứ chưa nói đến người bình thường.

Chính vì vậy, trong đạo Phật có một số vị chủ trương hướng dẫn cho Phật tử thực hiện từng bước một. Bước đầu một người có thể tu tập để được tái sinh vào kiếp sau tại một nơi hạnh phúc hơn (như cõi cực lạc chẳng hạn), sau đó tại nơi ấy họ sẽ tiếp tục tiến bộ để được thoát khổ hoàn toàn.

Tuy nhiên cũng có những vị, trong một kiếp người ở trần thế không cần thông qua con đường ấy mà tập trung thực hành và đạt được kết quả giác ngộ, ấy là do lợi lạc từ các kiếp trước để lại, tiếp nối mà thành tựu.

Vì vậy, có thể nói vãng sanh cực lạc là một mục tiêu cao quý trong đạo Phật nhưng chưa phải là kết quả cuối cùng mà Phật muốn con người đạt được.

3. Đức Phật sẽ ban phát tài lộc, danh vọng

Ngày nay hầu hết các ngôi chùa ở Việt Nam đều có sự thờ cúng hương khói. Có những chùa người tu hành ít nhưng hoạt động cúng bái, lễ hội cho lữ khách thập phương diễn ra vô cùng sôi động. Rất nhiều người đến lễ Phật với mong ước Đức Phật sẽ mang lại nhiều may mắn, tiền tài, nhà cửa hoặc con cái, thực ra đây là một quan niệm không đúng với lời dạy của Phật.

Đức Phật chỉ hướng dẫn con người tự thoát khổ chứ không hề ban phát sự sung sướng. Muốn được hạnh phúc, cách tốt nhất là nghiên cứu con đường Phật để lại rành rành qua Tứ Diệu Đế, không nên mang xôi gà, lễ vật rườm rà đến cầu Phật ban phước làm chi.

4. Niệm Phật đọc danh hiệu Phật là quan trọng nhất

Quan điểm tụng niệm “A-di-đà-Phật” hay “Nam-mô-quán-thế-âm-bồ-tát”, OṂ MA-NI PAD-ME HŪṂ…  có thể được cứu khổ cứu nạn là một phái sinh của đạo Phật có tính tông phái về sau này, phụ thuộc rất lớn vào lòng tin, tín ngưỡng của mỗi người.

Thực ra, chữ “niệm” ở đây có nghĩa là nhớ, giống như trong chữ tưởng niệm, hoài niệm. Niệm Phật hay thường xuyên nhớ đến Phật là phương pháp hiệu quả giúp tâm trí chúng ta bình an và sáng suốt. Do vậy, niệm Phật thực ra chú trọng ở nội tâm chứ không phải ở hình thức như nhiều người vẫn nghĩ.

5. Người xuất gia, theo Đạo Phật đều phải ăn chay

Ăn chay chỉ là một việc làm được khuyến khích chứ không phải là một loại quy định bắt buộc, phân chia đẳng cấp gì trong đạo Phật. Khi còn sống, Đức Phật ăn chay hoặc có khi cũng ăn mặn phụ thuộc vào đồ khất thực nhận được.

Trong đạo Phật chỉ cấm người tu hành sát sinh, hại vật, còn việc ăn chay nếu có điều kiện thuận lợi thì mới thực hiện. Phải chăng ăn chay chỉ để tránh nhân quả, nghiệp báo, sau là tăng trưởng lòng từ bi với chúng sinh, gieo thiện duyên với chúng sinh.

6. Giáo lý quan trọng nhất là các bộ kinh

Một số tôn giáo khác coi trọng bộ kinh như Kinh Thánh trong Thiên Chúa Giáo, Kinh Kô-ran trong Hồi Giáo… Nhưng Đạo Phật thì không.

Giáo lý quan trọng nhất trong đạo Phật cũng chính là những giáo lý cơ bản nhất mà Đức Phật luôn nhắc đến trong mọi trường hợp, đó là Luật Nhân Quả, Tứ Diệu Đế…

Những lời giáo lý của Đức Phật thực ra là truyền miệng, dễ hiểu, có thể thực hành ngay, tùy thuộc nhận thức của người được truyền thụ. Tất cả chỉ được ghi lại kinh sách về sau khi ngài đã viên tịch (nhập Đại Niết Bàn) nhiều trăm năm, khi đã trải qua nhiều thế hệ đệ tử, truyền thừa. Những ghi chép này đương nhiên phụ thuộc vào nhận thức và quan điểm từng người, từng tông phái.

7. Đạo Phật chỉ dành cho người già

Ở Việt Nam lâu nay lại tồn tại quan niệm “Trẻ vui nhà, già vui chùa”, coi việc đến chùa, học Phật chỉ dành cho những người cao tuổi, không còn việc gì khác để làm. Nhưng đạo Phật dành cho bất cứ ai muốn cải thiện đời sống theo hướng tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn.

Chân lý tối thượng và giáo lý đạo Phật như kim chỉ nam cho tất cả các lĩnh vực của đời sống, không chỉ về tâm linh, tín ngưỡng. Các đấng giác ngộ giải quyết được tất cả các uổn khúc của đời sống nhân thế. Biết càng sớm càng lợi lạc.

Có rất nhiều người có thành tựu lớn về kinh tế, về khoa học, công nghệ, kinh doanh, địa vị xã hội đã và đang áp dụng triết lý đạo Phật vào đời sống và công việc. Họ không những rất thành công về đời sống vật chất mà song song là lĩnh vực tinh thần.

Việc coi Đạo Phật là một tôn giáo hay không là vấn đề tranh cãi. Tuy nhiên, thời tại thế, Đức Phật không coi tổ chức những người theo ngài là một tôn giáo./.

Bài viết được đề xuất

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *