Tổng quan:
– Tên: K-329 Belgorod (tên 1 thành phố, «Белгород»)
– Nhà máy đóng tàu: Sevmash
– Đặt ky: ngày 24/7/1992
– Ra mắt: ngày 23/4/2019
– Được đưa vào hoạt động: ngày 8/7/2022
– Lớp trước: Oscar II
– Lượng giãn nước:
+ 14.700-17.000 tấn khi nổi
+ 24.000-30.000 tấn khi lặn
– Chiều dài: 184 m
– Độ rộng: 15 m
– Lò phản ứng nước có áp suất 2 Lò phản ứng hạt nhân OK-650M.02, 2 x tua bin hơi nước cung cấp 190 MW (250.000 shp) cho 2 trục
– Tốc độ: 32 hl/g (59 km/h) khi nổi
– Khả năng đi biển: 120 ngày
– Độ sâu kiểm tra: 500-520 m
– Quân số: 110
– Vũ khí: 6 ngư lôi hạt nhân Poseidon
– Cảng nhà: Severodvinsk, Nga.
K-329 Belgorod (“Белгород”) là một thiết kế sửa đổi của tàu ngầm hạt nhân Nga lớp Oscar II (tên NATO). Ban đầu nó được đặt đóng vào tháng 7/1992 với tư cách là tàu ngầm mang tên lửa hành trình Project 949A (tên NATO – Oscar II), nhưng sau đó được thiết kế lại và một phần thân tàu được chế tạo để tái cấu hình thành tàu hoạt động đặc biệt, có thể vận hành các phương tiện không người lái dưới nước. Con tàu được đóng lại vào tháng 12/2012. Do tình trạng thiếu kinh phí liên tục, quá trình xây dựng của nó đã bị đình chỉ sau đó được tiếp tục với tiến độ thấp trước khi con tàu được thiết kế lại để trở thành một con tàu độc nhất vô nhị – tàu ngầm thế hệ thứ năm đầu tiên của Nga. K-329 Belgorod, cùng với Hệ thống đa năng dưới đáy đại dương Status-6, là một trong những hệ thống vũ khí cuối cùng được Tổng thống Nga Vladimir Putin trình bày trong bài phát biểu thường niên vào ngày 1/3/2018. Nó đã thử nghiệm trên biển đầu năm 2022 và được Hải quân Nga đưa vào hoạt động vào tháng 7/2022. Chiếc tàu ngầm được chuyển giao cho Hải quân Nga vào ngày 8/7/2022.
Belgorod được cho là sẽ là tàu ngầm đầu tiên sử dụng Hệ thống Đa năng dưới đại dương Status-6.
Ban đầu tàu được đặt đóng vào ngày 24/7/1992 tại Nhà máy đóng tàu Severodvinsk với số hiệu số 664 trong thành phần các tàu ngầm tên lửa hành trình lớp “Oscar II”.
Vào ngày 6/4/1993, tàu ngầm 664 được đặt tên riêng là Belgorod theo tên thành phố của Nga và ký hiệu chiến thuật K-139. Năm 1995, hoạt động đào tạo thủy thủ đoàn được bắt đầu tại Trung tâm Huấn luyện Hải quân 510 (510-й учебный центр Военно-Морского Флота имени Л.Г. Осипенко) có trụ sở tại Obninsk thuộc Hải quân Nga năm 1997 nhưng bị đình chỉ do cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng sau khi Liên Xô sụp đổ (với 3/4 tiến độ đã hoàn thành), chủ yếu vì lý do tài chính. Vào ngày 22/1/1998, thủy thủ đoàn bị giải tán và thân tàu chưa hoàn thành đã bị “đóng băng”. Việc mất tàu chị em của Belgorod là K-141 “Kursk” vào năm 2000 đã dẫn đến quyết định tiếp tục đóng tàu “Belgorod” để thay thế Kursk, với các thông số kỹ thuật của Project 949AM được nâng cấp lên. Đến ngày 31/12/2004, thân tàu gần như đã hoàn thiện, thiếu động cơ, thiết bị và hầm chứa tên lửa. 100 triệu rúp do Bộ Quốc phòng cung cấp không đủ, và Sevmash buộc phải đầu tư nguồn lực tài chính của riêng mình để bù đắp khoản thâm hụt. Sevmash, theo sáng kiến của riêng mình, tiếp tục xây dựng với tốc độ chậm.
Việc đóng tàu “Belgorod” nằm trong kế hoạch đầu tư năm 2006 của Bộ Quốc phòng, nhưng trong chuyến thăm xưởng đóng tàu của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Sergei Ivanov vào ngày 20/7/2006, đã có thông tin được đưa ra rằng nó sẽ không vào biên chế Hải quân Nga. Đến thời điểm đó, Belgorod đã hoàn thiện khoảng 80%. Bộ Quốc phòng đã xem xét các phương án khác để hoàn thiện con tàu, bao gồm cả phương án bán nó cho Hải quân Ấn Độ, đơn vị sẽ cung cấp tài chính cho việc hoàn thiện con tàu.
Năm 2009, việc thiết kế lại tàu ngầm và trang bị tên lửa hành trình ban đầu được phát triển cho các tàu ngầm lớp Yasen (Project 885) đã được xem xét. Đầu năm 2012, Tổng Tư lệnh Hải quân Nga, Đô đốc Vladimir Sergeyevich Vysotsky tuyên bố rằng Belgorod sẽ được hoàn thành như một tàu “dự án đặc biệt”. Vào ngày 20/12/2012, đặc điểm kỹ thuật này đã nhận được chỉ định chính thức Project 09852. Chiếc tàu ngầm này đã được lên kế hoạch đưa vào hoạt động trong Hải quân vào năm 2018, và một thủy thủ đoàn được thành lập một lần nữa vào tháng 11 cùng năm đó.
Vào ngày 23/4/2019, “Belgorod” đã được đưa ra khỏi ụ tàu có mái che. Chỉ huy con tàu lúc đó là Đại tá Anton Alyokhin. Trong năm 2019, tàu sẽ được hoàn thành việc lắp đặt, thử nghiệm lò phản ứng hạt nhân và thử nghiệm đủ điều kiện trên biển. Đến tháng 6/2020, một nguồn báo cáo rằng nó “đang được sử dụng”, mặc dù điều này dường như không chính xác. Nguồn thông tin khác cho rằng nó vẫn đang được thử nghiệm (có thể bao gồm cả thử nghiệm trên biển). Vào tháng 1/2021, Tổng giám đốc Công ty đóng tàu Nga Sevmash, Mikhail Budnichenko, tuyên bố rằng các cuộc thử nghiệm trên Belgorod đang được tiến hành. Kế hoạch biên chế tàu ngầm trong Hải quân Nga vào năm 2020 và chính thức giới thiệu hệ thống Poseidon vào năm 2021 đã không thành hiện thực. Một báo cáo báo chí của cơ quan TASS thuộc sở hữu nhà nước chính thức của Nga từ tháng 4/2021 cho biết mục tiêu mới của Bộ Quốc phòng Nga là đưa K-329 vào hoạt động ở khu vực Thái Bình Dương. Thông tin này có thể xác nhận các vấn đề gặp phải với tàu ngầm Losharik và sự chuyển dịch sang bối cảnh của các hoạt động dự kiến trên thềm lục địa Bắc Cực. Cũng vào tháng 4/2021, nhà phân tích quân sự H. I. Sutton báo cáo rằng nó đã lên khỏi mặt nước và đã quay trở lại xưởng sản xuất. Vào ngày 25/6/2021, “Belgorod” lần đầu tiên rời xưởng đóng tàu Severodvinsk theo chế độ thử nghiệm do chính Sevmash thực hiện. Chiếc tàu ngầm được chuyển giao cho Hải quân Nga vào ngày 8/7/2022.
K-329 Belgorod gia nhập Sư đoàn tàu ngầm 29, thuộc Cục Nghiên cứu biển sâu (GUGI), cơ quan báo cáo trực tiếp cho Bộ Quốc phòng Nga.
Trong quá trình xây dựng, thân tàu 154 m ban đầu được kéo dài lên 178 m (nhiều hơn gần 11 m so với các SSBN thuộc Project 941 – tàu ngầm lớn nhất thế giới từng được chế tạo) với độ rộng 18,2 m. Vào tháng 6/2019, chuyên gia quân sự Mỹ H.I. Sutton đã công bố hình ảnh vệ tinh của nhà máy đóng tàu Sevmash, cho thấy K-329 “Belgorod” cùng với K-549 “Knyaz Vladimir” của dự án Borey, với Belgorod rõ ràng là dài hơn và rộng hơn. Chiều dài được nâng lên có thể là để phù hợp với chiều dài ngư lôi Poseidon.
Vào ngày 11/11/2015, dự án Hệ thống đa năng dưới đáy đại dương Status-6 chính thức được công bố trước công chúng. Tên gọi ban đầu của Status-6 sau đó đã được được chỉ định đổi thành Poseidon (tên Nga là 2M39 và tên báo cáo của NATO là Kanyon).
Phương tiện vận hành từ xa dưới nước Poseidon có tầm hoạt động 10.000 km, có thể hành trình ở độ sâu 1000 mét và được thiết kế để mang đầu đạn hạt nhân, dùng để phá hủy cơ sở hạ tầng ven biển như một phương án tấn công hạt nhân thứ hai («оружия ответного удара»). Các tàu mẹ dành cho phương tiện vận hành từ xa dưới nước Poseidon được lên kế hoạch là tàu ngầm Project 09852 “Belgorod” và tàu ngầm Project 09851 “Khabarovsk”. Theo các ấn phẩm của hãng thông tấn nhà nước Nga TASS, các tàu ngầm này có thể chở 6 phương tiện Poseidon cùng một lúc và quan điểm này được một số chuyên gia quân sự chia sẻ.
Một số nguồn tin cho biết rằng ngoài AUV Poseidon, Belgorod cũng có thể hoạt động như tàu mẹ cho một tàu ngầm mini chạy bằng năng lượng hạt nhân – Project 18511, còn được gọi là loại Paltus, được sử dụng để đặt dưới đáy biển một lò phản ứng hạt nhân mini khép kín thuộc loại ATGU Shelf (АТГУ Шельф, viết tắt của Атомная турбогенераторная установка – Thiết bị phát tăng áp hạt nhân). ATGU Shelf đang được phát triển để tạo ra năng lượng tự động cho các mảng cảm biến dưới nước và tàu ngầm có thể mang theo một đơn vị ATGU duy nhất tại một thời điểm, được gắn phía dưới boong trung tâm của tàu. Belgorod cũng được lên kế hoạch vận hành các phương tiện cảm biến dưới nước không người lái Clavesin-2R-RM («Клавесин-2Р-РМ», Клавесин trong tiếng Nga là đàn cla-vơ-xanh, một loại nhạc cụ). Việc tàu ngầm mini hạt nhân Losharik bị mất sau một vụ hỏa hoạn lớn vào năm 2019 đã gây ra một bước thụt lùi lớn cho chương trình Belgorod. Đồng thời, một số nguồn tin cho rằng Poseidon được đưa vào hoạt động hoàn toàn chỉ có thể đến khoảng năm 2027.
Ngoài ra, dự án Belgorod nhằm phát triển nền tảng tàu ngầm đa năng với nhiều khả năng tình báo bên cạnh vai trò chiến đấu. Trong số các mục tiêu chiến lược, đã ảnh hưởng đến việc tái thiết kế K-329 Belgorod là mong muốn thiết lập và khai thác thềm lục địa Bắc Cực là một mục tiêu chiến lược địa lý chính của điện Kremlin trong ngắn hạn đến trung hạn, chủ yếu để khai thác các nguồn năng lượng ở Bắc Cực, nhưng cũng để kiểm soát tuyến đường thương mại biển ngày càng quan trọng qua Bắc Băng Dương do băng ở Bắc Cực tan chảy. Ví dụ cho sự chuyển hướng này đối với khu vực Bắc Cực có thể được nhìn thấy trong một dự án mới nhằm hiện đại hóa và triển khai mạng lưới các trạm nghe sonar, đặt ở đáy biển Bắc Cực (tên mã Harmony, tiếng Nga: Гармония). Các quan chức cấp cao tại Lầu Năm Góc cũng như các sĩ quan từ các nước thành viên NATO khác đã bày tỏ quan ngại của họ trong khoảng thời gian từ cuối năm 2015 đến cuối 2017 về kế hoạch của Nga về các tuyến cáp dưới biển cho viễn thông. Mục tiêu mới, vào tháng 4/2021, Bộ Quốc phòng Nga đưa K-329 vào phục vụ ở khu vực Thái Bình Dương đi kèm với căng thẳng quân sự gia tăng ở Bắc Thái Bình Dương. Vào thời điểm đưa tàu ngầm vào hoạt động vào tháng 7/2022, có thông tin cho rằng nó sẽ hoạt động với vai trò thử nghiệm ban đầu cùng với Hạm đội Phương Bắc trước khi chuyển đến Thái Bình Dương./.